Thuyết minh là hình thức trình bày được dùng phổ biến dưới dạng nói và dạng viết. Vậy thuyết minh là gì? Văn bản thuyết minh là gì? Không để các bạn phải chờ lâu hơn nữa, hãy cùng mình tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây nhé!
Contents
- Thuyết minh là gì?
- Văn bản thuyết minh là gì?
- PTBĐ thuyết minh là gì?
- Mục đích chủ yếu của thuyết minh là gì?
- Đặc điểm nhận biết văn thuyết minh
- Các phương pháp được dùng trong văn thuyết minh là gì?
- Hướng dẫn làm bài văn thuyết minh chính xác
- Yêu cầu khi làm bài văn thuyết minh là gì?
- Điểm khác biệt giữa văn miêu tả và văn thuyết minh là gì?
Thuyết minh là gì?
Thuyết minh là giải thích, nói rõ hay giới thiệu về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân,… của một sự việc – hiện tượng cụ thể. Ngoài ra, thuyết minh còn được hiểu là hướng dẫn cách dùng, hướng dẫn sử dụng. Hình thức này tồn tại chủ yếu dưới dạng nói và viết.
Khi tồn tại dưới dạng nói, thuyết minh được hiểu là trình bày, giải thích về vấn đề được nêu ra. Hoặc đơn giản hơn là dịch lời thoại từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác để người xem có thể hiểu rõ nội dung hơn. Ví dụ, khi ta xem phim nước ngoài thường có các bản thuyết minh hay vietsub ra tiếng Việt để người xem có thể hiểu được diễn viên đang nói gì, nội dung phim ra sao.

Khi tồn tại dưới dạng viết, thuyết minh là một trong những kiểu văn bản được dùng thông dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài yêu cầu về tính chất thật, khách quan của thông tin, văn bản thuyết minh còn yêu cầu tác giả phải chú trọng hơn về cách sử dụng từ ngữ và các diễn đạt.
Bài viết tham khảo: Nguồn sáng là gì? Vật sáng là gì? Phân loại và cho ví dụ
Văn bản thuyết minh là gì?
Khái niệm văn bản thuyết minh là gì được định nghĩa rất rõ trong môn Văn lớp 8 và lớp 9.
Theo đó, văn thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong đời sống nhằm cung cấp cho người đọc tri thức về tính chất, đặc điểm, nguyên nhân,…. của các sự vật – hiện tượng xảy ra trong đời sống tự nhiên và đời sống xã hội qua các phương thức như giới thiệu, trình bày và giải thích.
Ví dụ về đoạn văn thuyết minh:
“Ở Hà Nội có cảnh đẹp là cảnh đền Ngọc Sơn ở giữa hồ Hoàn Kiếm. Đền này làm từ đời nhà Hậu Lê, trên một cái gò nổi lên ở giữa Hồ. Người đi lại phải qua một cái cầu bằng gỗ. Ở ngoài đường đi vào, về bên trái, có một cái núi đá, người ta đắp lên, và có xây một cái tháp vuông, ở trên ngọn có cái ngòi bút đề là “Búp Tháp”.
Vào đến gần cầu, ở trên cái cửa tò vò có cái nghiên đá, đề là “Nghiễn Đài”. Vì đền Ngọc Sơn thờ Văn Xương Đế Quân là một vị thần coi về việc văn học, cho nên mới xây những nghiên bút như thế.
Trước cửa đền có cái nhà thuỷ tạ gọi là ‘Trấn Ba Đình”, giữa có dựng cái bia đá để ghi sự tích cái đền ấy. Đến mùa nóng nực, người ta hay ra đấy hóng mát và ngắm phong cảnh, thật là có bề thanh thú lắm”.
(Theo Quốc Văn giáo khoa thư)
PTBĐ thuyết minh là gì?
PTBD có nghĩa là phương thức biểu đạt. Đây là cách thức hay phong cách sử dụng ngôn ngữ, ngôn từ, giọng điệu,… nhằm thể hiện tình cảm, thái độ hoặc một thông điệp ý nghĩa nào đó.
Như vậy, PTBĐ thuyết minh có nghĩa là giới thiệu, cung cấp hay giảng giải về 1 sự vật – hiện tượng nào đó. Khác với những phương thức biểu đạt khác (miêu tả, biểu cảm, tự sự, nghị luận,…) thì thuyết minh chỉ đơn thuần là cung cấp tri thức cho người đọc, người nghe.

Mục đích chủ yếu của thuyết minh là gì?
Mục đích chính của văn thuyết minh là cung cấp tri thức khách quan, thông tin chính xác về sự vật, vấn đề, hiện tượng, đối tượng,… được chọn về thuyết minh.
Đặc điểm nhận biết văn thuyết minh
- Thông tin khách quan, có tính chính xác cao, không xuất pháp từ ý kiến chủ quan.
- Trình bày nội dung rõ ràng, mạch lạc, không mập mờ và đảm bảo tính xác thực.
- Sử dụng ngôn từ chính xác, cô đọng và chặt chẽ. Không dùng nhiều từ hoa mỹ mà thay vào đó là những từ đơn giản, dễ hiểu để bất kỳ người đọc nào đều có thể tiếp cận được.
- Không trình bày màu mè, dài dòng văn chương khiến người đọc cảm thấy khó chịu, nghi ngờ. Thay vào đó, văn thuyết minh trình bày ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu nhất có thể.
Các phương pháp được dùng trong văn thuyết minh là gì?
Phương pháp thuyết minh là gì? Đây là hệ thống các cách thức mà người thuyết minh sử dụng nhằm diễn đạt một cách hiệu quả nhất những thông tin đến người đọc, người nghe. Để làm tốt điều này, bạn cần phải hiểu rõ, hiểu chính xác về đối tượng thuyết minh và các phương pháp thuyết minh chủ yếu. Đó là:

Phương pháp giải thích
Đây là phương pháp sử dụng câu trần thuật có chứa từ “là” để giới thiệu, giải thích hay nêu định nghĩa về một sự vật – hiện tượng nào đó.
Ví dụ: Máy nén khí là thiết bị được dùng để giảm thể tích chất khí, đồng thời tăng áp suất khí nén, tạo thành nguồn năng lượng được dự trữ dưới dạng khí nén.
Phương pháp liệt kê
Mục đích của phương pháp này là giúp người đọc có cái nhìn toàn cảnh hơn về đối tượng thuyết minh. Thông thường, người thuyết minh thường dùng để liệt kê các bộ phận của đối tượng được đề cập đến.
Ví dụ: Cấu tạo máy nén khí piston gồm có các bộ phận sau: motor, đầu nén, xy lanh, lọc gió, rơ le áp suất, đồng hồ đo áp suất, hệ thống các van (van xả nước, van an toàn, van một chiều) và một số bộ phận khác (bánh xe, tay kéo, bình chứa khí,…).
Phương pháp nêu ví dụ
Đối với phương pháp này, người viết sẽ đưa ra các ví dụ thực tiễn của đối tượng được thuyết minh trong cuộc sống. Để tăng tính thuyết phục, hãy đưa ra các ví dụ cụ thể, chính xác để người đọc tin vào điều đó.
Ví dụ: Máy nén khí piston được dùng rất phổ biến trong các tiệm sửa chữa, bảo dưỡng xe. Thiết bị này được dùng để bơm lốp xe, xì khô xe sau khi rửa, cung cấp khí nén giúp nhiều thiết bị khác hoạt động như: máy bơm mỡ, cầu nâng, súng bắn ốc,….
Phương pháp dùng số liệu
Thông thường, các con số sẽ có khả năng thuyết phục cao hơn so với chữ viết. Bởi vậy, việc sử dụng số liệu trong văn bản thuyết minh sẽ giúp làm sáng tỏ vấn đề nhanh nhất và tăng sức thuyết phục cho người đọc. Tuy nhiên, phải đảm bảo những con số đó là chính xác, tin cậy, rõ ràng, được lấy từ các nguồn chính thống, cụ thể.
Ví dụ: Chiếc máy nén khí Puma GX-20300 này có kích thước 191 x 75 x 142cm, trọng lượng 556kg, công suất làm việc 20HP, lưu lượng khí 2500 lít/ phút, dung tích bình chứa 304 lít, áp lực làm việc tối đa 8 – 10kg/cm2 và được trang bị 3 xi lanh đầu nén.
Phương pháp so sánh
So sánh được dùng rất nhiều trong văn bản thuyết minh. Chúng ta có thể so sánh các đối tượng dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau để người đọc có thể hiểu rõ hơn về vấn đề.
Ví dụ: Châu Á là châu lục có diện tích rộng lớn nhất trên thế giới, gấp 5 lần châu Đại Dương, 4 lần Châu Âu và 3 lần châu Nam Cực.
Phương pháp phân loại và phân tích
Với những đối tượng thuyết minh đa dạng thì chúng ta cần phải chia thành từng loại hoặc từng đặc điểm riêng biệt của đối tượng được trình bày. Từ đó giúp bài thuyết minh được đầy đủ, khách quan và giúp người đọc có thể tiện theo dõi hơn.
Ví dụ: Khi thuyết minh về thành phố, bạn có thể nêu từng khía cạnh như: vị trí, khí hậu, lịch sử, dân số, đặc sản, phong tục tập quán riêng,…
Hướng dẫn làm bài văn thuyết minh chính xác
Như vậy, qua những thông tin chia sẻ trên bạn đã hiểu rõ vb thuyết minh là gì và các phương pháp được sử dụng trong văn thuyết minh rồi phải không? Vậy làm thế nào để bài văn thuyết minh của thu hút, thuyết phục được nhiều độc giả. Cùng tìm hiểu nhé!
Bước 1: Chuẩn bị
- Xác định đối tượng, vấn đề thuyết minh.
- Ghi chép, sưu tầm, lựa chọn tư liệu cho bài viết.
- Lựa chọn phương pháp, cách thức thuyết minh
- Dùng ngôn từ dễ hiểu, chính xác để làm nổi bật đối tượng thuyết minh.
Bước 2: Lập dàn ý
Dựa trên những thông tin, kiến thức đã sưu tầm được, tiến hành lập dàn ý chi tiết cho bài viết.
Bước 3: Viết bài
Bố cục bài thuyết minh được trình bày như sau:
Mở bài: Giới thiệu đối tượng thuyết minh.
Thân bài: Lần lượt trình bày các thông tin liên quan đến đối tượng như:
- Nguyên nhân
- Nguồn gốc hình thành
- Cấu tạo (liệt kê các bộ phận)
- Các chủng loại
- Công dụng, ý nghĩa
- Hướng dẫn sử dụng
- Cách bảo quản,…. và rất nhiều thông tin khác liên quan đến đối tượng thuyết minh.
Kết bài: Đánh giá đối tượng thuyết minh, vai trò của nó trong đời sống thực tiễn.

Yêu cầu khi làm bài văn thuyết minh là gì?
Khi làm bài văn thuyết minh, bạn cần phải chú ý một số vấn đề sau:
- Cần phải quan sát kỹ sự vật – hiện tượng để tìm hiểu đặc điểm, tính chất của chúng.
- Nắm vững thông tin về đặc điểm, tính chất của sự vật – hiện tượng.
- Khi trình bày, cần làm nổi bật những đặc điểm chính của sự vật – hiện tượng để truyền tải thông tin đến người đọc một cách nhanh chóng và dễ hiểu nhất.
Điểm khác biệt giữa văn miêu tả và văn thuyết minh là gì?
Rất nhiều bạn nhầm lẫn giữa văn miêu tả và văn thuyết minh nên gặp nhiều khó khăn khi phân biệt hai thể loại này. Dưới đây là cách phân biệt hai thể loại này:
Văn miêu tả | Văn thuyết minh |
|
|
Ví dụ: “Những đám mây trắng như bông đang tô vẽ cho nền trời bằng những hình thù lạ mắt. Nắng trong vắt như pha lê. Nắng xiên qua cây gỗ tếch ở vườn hoa phố Nguyễn Cao, rọi xuống và chạy lung tung quanh cái bàn ăn trưa của bốn cụ già…” | Ví dụ: “Hoa chuông cao từ 15- 20 cm. Hoa nhỏ có hình chuông, hương thơm, thân uốn cong, màu trắng hay hồng lợt. Hoa có thể sống trong bình từ 5- 7 ngày…” |
Lưu ý: Trong văn thuyết minh thường kết hợp các yếu tố miêu tả và một số biện pháp nghệ thuật giúp cho đối tượng thuyết minh trở nên nổi bật, hấp dẫn và thuyết phục độc giả hơn.
Bài viết tham khảo: Phương thức biểu đạt là gì? Có bao nhiêu phương thức biểu đạt?
Hy vọng qua bài viết trên sẽ giúp quý bạn đọc hiểu rõ yếu tố thuyết minh là gì cũng như cách làm bài văn thuyết minh. Nếu bạn có câu hỏi thắc mắc về chủ đề này, hãy để lại bình luận bên dưới, mình sẽ giải đáp cho bạn nhé!