Khởi ngữ là gì? Tác dụng của khởi ngữ? Ví dụ, bài tập về khởi ngữ

Trong các thành phần cấu tạo nên câu, chúng ta thường nhắc đến chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ nhưng ít khi nói về khởi ngữ. Vậy khởi ngữ là gì? Thành phần khởi ngữ có tác dụng gì? Để ôn luyện kiến thức tiếng Việt này, mời bạn đọc theo dõi bài viết này của supperclean.vn nhé!

Khởi ngữ là gì?

Chương trình Ngữ Văn lớp 9 đã giải thích khái niệm khởi ngữ là gì như sau: Khởi ngữ là thành phần phụ đứng trước chủ ngữ để nêu lên đề tài nói đến trong câu. Trước khởi ngữ thường có các quan hệ từ như đối với, về,…. 

Định nghĩa về khởi ngữ trong tiếng Việt
Định nghĩa về khởi ngữ trong tiếng Việt

10 câu ví dụ về khởi ngữ

Để hiểu rõ hơn về khởi ngữ là gì, mời bạn đọc tham khảo các ví dụ sau:

  1. Người tôi yêu, cô ấy trông hơi ngốc nhưng rất đáng yêu. => Khởi ngữ: Người tôi yêu.
  2. Đối với tôi, sự ra đi của bác ấy thật bất ngờ. => Khởi ngữ: Đối với tôi.
  3. Về những môn xã hội, Nam là người giỏi nhất trong lớp tôi. => Khởi ngữ: Về những môn xã hội.
  4. Bộ phim này, tôi đã xem lại rất nhiều lần. => Khởi ngữ: Bộ phim này.
  5. Quyền sách này, nó rất hay và ý nghĩa. => Khởi ngữ: Quyển sách này.
  6. Ngốc, nó không ngốc như mày nghĩ đâu. => Khởi ngữ: Ngốc
  7. Với những điều tôi vừa nói trên, mọi người có ý kiến hay góp ý gì không? => Khởi ngữ: Với những điều tôi vừa nói trên.
  8. Đối với học sinh, việc học tập nên đặt lên vị trí hàng đầu. => Khởi ngữ: Đối với học sinh. 
  9. Đi chơi, mày suốt ngày chỉ biết đi chơi, không biết làm gì cả. => Khởi ngữ: Đi chơi.
  10. Về thể thao, anh ta chơi tốt nhất là môn cầu lông. => Khởi ngữ: Về thể thao. 
Ví dụ về khởi ngữ
Ví dụ về khởi ngữ

Vai trò của thành phần khởi ngữ là gì?

Mặc dù chỉ là thành phần phụ trong câu nhưng khởi ngữ giữ vai trò rất quan trọng. Cụ thể như sau:

  • Khởi ngữ giúp làm nổi bật ý chính, nêu lên chủ đề của sự việc được nhắc đến trong câu. 
  • Giúp người nói thể hiện rõ ý muốn diễn đạt và tạo điểm nhấn cho câu nói. Đồng thời giúp người nghe có thể dễ dàng tiếp nhận thông tin mà người nói muốn truyền đạt.
  • Đảm bảo tính rõ ràng, mạch lạc, trôi chảy khi giao tiếp.

Ví dụ: Xét hai câu nói sau: 

  1. Về các môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, Lan học rất tốt. 
  2. Lan học rất tốt. 

=> Hai câu nói trên đều đúng và có nghĩa. Tuy nhiên, ý nghĩa và nội dung của câu thứ nhất rõ ràng, mạch lạc hơn so với câu thứ 2. 

Có những loại khởi ngữ nào?

Trong tiếng Việt, ta có 2 loại khởi ngữ sau:

– Khởi ngữ có quan hệ trực tiếp với các thành phần khác trong câu: Loại khởi ngữ này có tác dụng nhấn mạnh là chính. 

Ví dụ: 

  1. Giàu, tôi cũng giàu rồi! => Khởi ngữ “giàu” được lặp lại y nguyên ở phần còn lại của câu.
  2. Bài hát này, tôi đã nghe nó rất nhiều lần. => Khởi ngữ “bài hát” được lặp lại và thay thế bằng từ “nó”.

– Khởi ngữ có quan hệ gián tiếp với các thành phần khác của câu: Chúng có tác dụng chính là nêu lên chủ đề của câu nói.

Ví dụ: Làm bài, anh ấy rất cẩn thận. => Khởi ngữ “làm bài” có tác dụng làm nổi bật ý chính của câu. Đó là sự cẩn thận của “anh ấy” khi làm bài. 

Phân loại khởi ngữ
Phân loại khởi ngữ

Dấu hiệu nhận biết khởi ngữ là gì?

Để nhận biết khởi ngữ trong câu, bạn có thể dựa vào các đặc điểm sau:

  • Về vị trí: Khởi ngữ thường đứng trước chủ ngữ hoặc đứng đầu câu.
  • Về các từ đi kèm: Trước khởi ngữ thường có các quan hệ từ như về, với, đối với,… Sau khởi ngữ thường đi kèm với trợ từ “thì”. 

Phân biệt khởi ngữ với trạng ngữ, các thành phần biệt lập

Nếu không hiểu rõ thành phần khởi ngữ là gì thì chúng ta rất dễ nhầm lẫn chúng với các thành phần phụ khác như trạng ngữ, các thành phần biệt lập. Vậy làm sao để phân biệt khởi ngữ với những thành phần này? Bạn đọc hãy tham khảo những thông tin chia sẻ dưới đây:

Cách phân biệt khởi ngữ với trạng ngữ

Tiêu chí so sánh Khởi ngữ Trạng ngữ
Vị trí Đều đứng trước chủ ngữ.
Vai trò
  • Nhấn mạnh chủ đề mà câu văn/ câu nói muốn truyền tải. 
  • Nêu lên đề tài của câu nói.
Xác định nơi chốn, thời gian, mục đích, cách thức, phương tiện, nguyên nhân,… 
Ví dụ Nữ diễn viên này, đóng phim rất nhập tâm.  Chiều chiều, tôi đều chạy bộ để rèn luyện sức khỏe. 

Cách phân biệt các thành phần biệt lập với khởi ngữ

Tiêu chí so sánh Khởi ngữ Các thành phần biệt lập
Bản chất
  • Thường đứng tách biệt với thành phần chính của câu. 
  • Dùng để nhấn mạnh, nêu lên chủ đề của câu nói. 
  • Khi bỏ khởi ngữ, ý nghĩa của câu không còn đầy đủ, rõ ràng.
  • Có thể đứng tách biệt hoặc không với các thành phần khác của câu. 
  • Dùng để thể hiện thái độ hoặc đánh giá của người nói về vấn đề được nói đến. 
  • Khi bỏ các thành phần biệt lập thì ý nghĩa câu vẫn rất đầy đủ. 
Ví dụ Về chuyện này, tôi sẽ không chịu trách nhiệm.  Ôi! Chiếc váy trông đẹp quá!

Bài tập về khởi ngữ

Dạng 1: Viết đoạn văn hoặc đặt câu chứa khởi ngữ

Phương pháp: Hiểu rõ khái niệm và đặc điểm của khởi ngữ là gì để giải quyết dạng bài tập này.

Ví dụ minh họa: Hãy đặt câu có chứa khởi ngữ?

Lời giải: 

  1. Về ca hát, Hồng là người có tiềm năng nhất lớp tôi.
  2. Đối với học sinh, nghe lời bố mẹ và thầy cô giáo là điều quan trọng nhất. 

Dạng 2: Xác định khởi ngữ

Phương pháp: Căn cứ theo dấu hiệu mà chúng tôi đã chia sẻ ở trên để xác định khởi ngữ.

Ví dụ minh họa: Hãy xác định khởi ngữ trong các trường hợp dưới đây: 

  1. Hai chậu hoa trước nhà, ông ấy không muốn bán cây nào cả.
  2. Với môn Triết Học, tôi chỉ cần qua môn là được.
  3. Về khoản tìm quán ăn, chẳng ai có thể vượt qua nó cả. 
  4. Nghĩ lại chuyện ấy, tôi vẫn thấy sợ và bủn rủn chân tay. 
  5. Làm bài tập thì tôi cũng hoàn thành xong rồi!

Lời giải:

  1. Hai chậu hoa trước nhà
  2. Với môn Triết Học
  3. Về khoản tìm quán ăn
  4. Nghĩ lại chuyện ấy
  5. Làm bài tập

Dạng 3: Chuyển câu không có khởi ngữ thành có khởi ngữ và ngược lại

Phương pháp: Vận dụng các đặc điểm của khởi ngữ để chuyển một câu không có khởi ngữ thành câu có khởi ngữ.

Ví dụ minh họa: Hãy chuyển các câu dưới đây thành câu có khởi ngữ:

  1. Cô ấy không tham gia bữa tiệc hôm nay. 
  2. Lan chơi cầu lông rất giỏi.
  3. Tôi đã xem rồi nhưng không hiểu. 
  4. Tôi đi học trên con đường Hồ Tùng Mậu.
  5. Lan sẽ chăm chỉ học tập hơn để đạt điểm cao. 

Lời giải: 

  1. Bữa tiệc hôm nay, cô ấy không tham gia. 
  2. Về cầu lông, Lan chơi rất giỏi. 
  3. Xem thì tôi xem rồi nhưng hiểu thì tôi chưa hiểu. 
  4. Con đường Hồ Tùng Mậu này, tôi thường đi học về. 
  5. Về việc học, Lan sẽ cố gắng chăm chỉ hơn để đạt điểm cao. 

XEM THÊM:

Hy vọng những kiến thức về khởi ngữ là gì được SUPPERCLEAN chia sẻ trên sẽ giúp ích cho bạn đọc trong quá trình học tập. Đừng quên ôn luyện và luyện tập thường xuyên để đạt tuyệt đối về phần ngữ pháp này nhé!

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *