Giải ngân là gì? Những điều quan trọng nên biết về giải ngân

Giải ngân là gì? Đây là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Tuy nhiên, với những người không làm trong ngành hoặc chưa từng vay vốn tại ngân hàng thì đây là một khái niệm mới. Vậy giải ngân nghĩa là gì, các hình thức cũng như quy trình giải ngân như thế nào? Cùng tìm hiểu nhé!

Giải ngân là gì? 

Giải ngân tiếng Anh gọi là Disbursement; dùng để chỉ việc chi một khoản tiền nào đó theo đúng như thỏa thuận trong hợp đồng được ký kết giữa ngân hàng với người vay hoặc một tổ chức cho vay với một cá nhân/ tổ chức đi vay. 

giải ngân là gì
Vốn giải ngân là gì?

Giải ngân được sử dụng phổ biến trong quá trình vay vốn đầu tư công, vay vốn ngân hàng. Sau khi hoàn tất thủ tục vay và được ngân hàng chấp nhận, giải ngân là bước ngân hàng sẽ giải quyết tiền cho khách hàng theo đúng thỏa thuận được đưa ra trước đó. 

Việc giải ngân có thể thực hiện một lần hoặc cũng có thể chia nhỏ thành nhiều lần tùy theo số vốn vay và các điều khoản được ký kết. Người vay có thể nhận tiền bằng hình thức tiền mặt, chuyển khoản hoặc nhiều hình thức khác như phiếu mua hàng, séc,…

Bài viết tham khảo: EPS là gì? Những điều quan trọng về chỉ số EPS bạn nên biết

Các hình thức giải ngân phổ biến

Hiện nay đang có hai hình thức giải ngân được sử dụng phổ biến trong ngân hàng là giải ngân phong tỏa và không phong tỏa. Hai hình thức này được ngân hàng áp dụng trong trường hợp vay để mua nhà. 

Giải ngân phong tỏa

Là hình thức ngân hàng giải ngân số tiền người mua đề nghị vay cho bên người bán. Tuy nhiên, tại thời điểm này bên bán đã nhận được tiền trong tài khoản nhưng số tiền đó vẫn bị ngân hàng “tạm giữ” và bên bán không thể rút ra để sử dụng được. Họ chỉ được phép rút khi bên mua hoàn tất thủ tục đăng ký sang tên tài sản tại các cơ quan có thẩm quyền. 

giải ngân
Hình thức mang lại độ an toàn cao, hạn chế rủi ro phát sinh

Với hình thức này, số tiền bên bán nhận được có thể coi như một khoản tiết kiệm và sẽ được hưởng lãi theo đúng lãi suất thị trường của ngân hàng. Đây được coi là hình thức giải ngân khá an toàn với cả ngân hàng và cả người vay. Bởi trong quá trình làm thủ tục sang tên có thể xuất hiện một số rủi ro như: hồ sơ không được thẩm định, không sang được tên do quá trình kê khai thuế phức tạp,…. Nhưng với hình thức giải ngân phong tỏa giúp ngân hàng sẽ không bị thất thoát khoản cho vay và chắc chắn rằng phía người vay sẽ được sang tên tài sản. 

Giải ngân không phong tỏa

Là hình thức giải ngân bên người mua đề nghị vay và chuyển sang tài khoản cho bên bán. Lúc này, bên bán hoàn toàn có thể rút số tiền đó ra và sử dụng ngay. Hình thức này mang lại sự nhanh chóng, thuận tiện cho bên bán, nhất là trong trường hợp người bán có nhu cầu nhận tiền gấp. 

Tuy nhiên, giải ngân không phong tỏa được đánh giá là mang lại nhiều rủi ro cho ngân hàng. Vì vậy, hình thức này chỉ được áp dụng ở một số chi nhánh với các khoản vay nhỏ. Để hạn chế rủi ro có thể xảy ra, một số ngân hàng sẽ yêu cầu phải xác minh khả năng sang tên tài sản thì mới giải ngân và bạn sẽ cần phải đóng thêm một khoản phí khác. 

Nhìn chung, so với giải ngân phong tỏa thì hình thức này không được khuyến khích và ít được sử dụng hơn. 

Ngoài ra, dựa trên hình thức giải ngân mà người ta chia giải ngân thành: 

  • Giải ngân tiền mặt: Khách hàng sẽ đến trực tiếp ngân hàng để nhận tiền mặt. 
  • Giải ngân qua chuyển khoản: Ngân hàng sẽ chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của người vay. 
  • Giải ngân một lần: Đáp ứng nhu cầu cần tiền mặt gấp để mua nhà, mua xe,…
  • Giải ngân theo kỳ: Ngân hàng sẽ tiến hành giải quyết vốn vay theo từng đợt mà bên khách hàng vay đã đăng ký,… 

Hồ sơ giải ngân bao gồm những giấy tờ gì?

Để quá trình giải ngân diễn ra nhanh chóng và thuận lợi, bên vay cần phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau: 

  • Hồ sơ pháp lý: Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, sổ hộ khẩu, hộ chiếu, giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy tờ xác minh tình trạng hôn nhân của người vay. 
  • Hồ sơ tài chính: Bao gồm tất cả các loại giấy tờ chứng minh thu nhập của người vay như: bảng lương, hợp đồng lao động còn hạn sử dụng, sổ sách bán hàng, giấy đăng ký kinh doanh, bảng sao kê lương, giấy tờ chứng minh thu nhập từ các tài sản cho thuê,…. 
  • Hồ sơ về tài sản đảm bảo: Nếu tài sản đảm bảo là nhà đất thì bạn cần phải cung cấp sổ hồng, sổ đỏ của ngôi nhà đó. Với các tài sản đảm bảo là ô tô thì phải chuẩn bị Đăng ký xe. 
  • Hồ sơ về mục đích sử dụng vốn: Đó là các loại giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn của người vay như: giấy đặt cọc, hợp đồng mua bán, thông báo nộp tiền (dùng cho mục đích mua xe, mua nhà); dự toán chi phí, dự toán xây – sửa nhà (dùng cho mục đích xây hoặc sửa nhà ở, công trình); báo cáo tài chính, giấy phép kinh doanh, nhu cầu sử dụng vốn trong tương lai (dùng trong mục đích kinh doanh),… 
hồ sơ
Hồ sơ giải ngân gồm có những giấy tờ gì?

Quy trình giải ngân vốn vay được thực hiện như thế nào?

Bước 1: Thực hiện đăng ký, kê khai thông tin và xác nhận

Khách hàng có nhu cầu vay sẽ tiến hành đăng ký, kê khai thông tin tại ngân hàng hoặc công ty tài chính. Thông tin kê khai gồm có: thông tin cá nhân, số vốn cần vay, mục đích vay vốn, khả năng hoàn trả, tài sản đảm bảo,…. 

Sau đó, chuyên viên ngân hàng hoặc công ty tài chính sẽ tiếp nhận và xác thực thông tin mà khách hàng đã kê khai.  

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ vay sẽ quyết định một phần nào đó đến việc ngân hàng/ công ty tài chính có phê duyệt khoản vay đó hay không? Vì vậy, bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ, chính xác các loại giấy tờ cần thiết. 

Hồ sơ vay bao gồm những loại giấy tờ nào đã được chúng tôi trình bày ở trên, bạn chỉ cần chuẩn bị đầy đủ và nộp lại cho ngân hàng. Ngoài ra, tùy thuộc vào từng ngân hàng mà hồ sơ có thể bổ sung hoặc lược bỏ bớt giấy tờ. 

Bước 3: Thẩm định

Bước này sẽ được thực hiện sau khi chuyên viên ngân hàng hoặc công ty tài chính tiếp nhận hồ sơ của khách vay. Họ sẽ xác định tính chính xác cũng như sự phù hợp của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ bị thiếu, nhân viên có thể yêu cầu khách vay bổ sung thêm. 

Ngoài ra, chuyên viên tư vấn cũng có thể đặt thêm một số câu hỏi để đánh giá xem khách hàng có phù hợp với các điều kiện vay của ngân hàng hay không. 

Bước 4: Phê duyệt

Khi hồ sơ đạt yêu cầu, cơ quan cấp cao của bên cho vay sẽ thực hiện phê duyệt khoản vay. Theo đó, họ sẽ nhận báo cáo thẩm định từ đề xuất xin phê duyệt của các chuyên viên thẩm định hồ sơ. 

Trường hợp khách hàng vay số tiền lớn, bên cho vay sẽ có bộ phận thẩm định độc lập khác tiến hành thẩm định lại hồ sơ của khách hàng nhằm đảo bảo tính khách quan và minh bạch. Khi đó, dựa vào hồ sơ cũng như thông khách hàng cung cấp, các cấp có thẩm quyền có quyền đồng ý hay từ chối khoản vay của khách hàng. 

giải ngân là gì
Quyết định phê duyệt được thực hiện bởi cơ quan cấp cao của ngân hàng/ công ty tài chính

Bước 5: Giải ngân

Đây là bước cuối cùng trong quá trình vay vốn. Ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân số tiền bạn muốn vay theo đúng những gì đã được ký kết trong hợp đồng. Việc giải ngân có thể diễn ra một lần hoặc nhiều lần tùy theo từng trường hợp vay vốn. Người vay có thể nhận giải ngân bằng tiền mặt, chuyển khoản hoặc bất kỳ hình thức nào mà ngân hàng cho phép. 

Làm thế nào để hồ sơ được giải ngân nhanh chóng?

Để khoản vay của bạn được phê duyệt và giải ngân nhanh chóng, bạn cần phải lưu ý một số vấn đề sau: 

  • Chuẩn bị đầy đủ và chính xác hồ sơ theo yêu cầu của ngân hàng. Mọi thông tin trên giấy tờ phải rõ ràng, minh bạch và đầy đủ thông tin. 
  • Khi vay vốn, cần phải trả nợ đúng hẹn và đầy đủ. Như vậy thì điểm tín dụng của bạn sẽ cao và chắc chắn trong những lần vay tiếp theo, hồ sơ của bạn sẽ được giải quyết dễ dàng hơn. 
  • Đối với những khoản vay thế chấp, mục đích sử dụng vốn phải luôn được đảm bảo trong suốt thời gian trả nợ. Tuyệt đối không sử dụng vốn vay cho những mục đích trái pháp luật. Điều này có thể khiến cho hồ sơ vay của bạn có thể chậm giải ngân trong những lần vay tiếp theo. 

Một số lưu ý khi làm hồ sơ giải ngân

  • Đọc kỹ hợp đồng cũng như các điều khoản liên quan trong hợp đồng trước khi đặt bút ký kết. 
  • Chuẩn bị đầy đủ và chính xác hồ sơ theo đúng yêu cầu từ ngân hàng. 
  • Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về lãi suất, hồ sơ vay, các điều khoản trong hợp đồng thì cần phải liên hệ đến chuyên viên tư vấn để được giải đáp kịp thời. Sau khi hồ sơ đã được giải ngân thì không thể thay đổi được. 
  • Nếu hồ sơ đã được phê duyệt nhưng chưa được giải ngân, khách hàng có thể từ chối giải ngân nếu cảm thấy không cần khoản vay này vì một lý do nào đó phát sinh. 
những lưu ý khi làm hồ sơ
Một số lưu ý khi làm hồ sơ

Bài viết tham khảo: Stalk là gì? Cách “thoát khỏi” việc bị stalk trên Facebook

Trên đây là thông tin giải đáp thắc mắc giải ngân là gì và những thông tin liên quan. Hy vọng qua bài viết trên sẽ giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức để đảm bảo cho quá trình vay vốn được diễn ra thuận lợi và giải ngân nhanh chóng. 

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *