Lễ Hằng Thuận là gì? Tìm hiểu chi tiết về lễ Hằng Thuận

Bên cạnh việc tổ chức lễ cưới tại gia, nhà hàng hay khách sạn thì nhiều cặp đôi lựa chọn tổ chức lễ cưới tại chùa (lễ Hằng Thuận). Vậy bạn có biết lễ Hằng Thuận là gì không? Lễ Hằng Thuận có ý nghĩa gì và trình tự tổ chức như thế nào? Mời bạn đọc cùng với chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây. 

Lễ Hằng Thuận là gì?

Hằng Thuận là nghi thức lễ cưới ở Phật giáo được dành riêng cho các Phật tử. Nó thường được tổ chức trang trọng tại các ngôi chùa hay thiền viện; hoặc cũng có thể diễn ra tại nhà thờ tổ của dòng họ. 

Lễ Hằng Thuận - lễ cưới tổ chức tại chùa
Lễ Hằng Thuận – lễ cưới tổ chức tại chùa

Nếu như căn cứ theo tên gọi thì “Hằng” có nghĩa là thường xuyên, luôn luôn, mãi mãi; còn “Thuận” có nghĩa là yên ấm, hoà hợp, thuận thảo. “Hằng Thuận” ở đây chính là nghệ thuật sống hòa hợp, độ lượng với mọi người xung quanh và tôn trọng đạo vợ chồng. Cụ thể là: 

  • Vợ chồng hòa thuận, tương kính và nhường nhịn lẫn nhau.
  • Làm tròn trách nhiệm và bổn phận của người vợ/người chồng trong đời sống gia đình; với ông bà, cha mẹ và con cái. 
  • Cùng nhau hướng đến hành trình tu tập giác ngộ, giữ gìn ngũ giới và hành thiện.

Nguồn gốc của lễ Hằng Thuận là gì?

Có nhiều giai thoại được ghi chép và kể lại về nguồn gốc của lễ Hằng Thuận. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tài liệu ghi chép thì cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật (có bút hiệu là Đồ Nam Tử) chính là người đầu tiên sáng lập và tổ chức lễ Hằng Thuận.

Cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật xuất thân là một nhà Nho. Sau này, ông đã thấm nhuần tư tưởng Phật Giáo và quy y nơi cửa Phật. Từ đó ông trở thành Phật tử hết lòng phụng sự cho nhà chùa. Theo như quan điểm của ông thì việc tổ chức lễ cưới ở chùa sẽ mang lại ý nghĩa tinh thần lớn lao cho đời sống của Phật tử.

Lễ cưới đầu tiên được tổ chức ở chùa và đánh dấu sự ra đời chính thức của lễ Hằng Thuận này chính là đám cưới của bà Lê Thị Hoành và ông Hoàng Văn Tâm. Lễ cưới này đã được tổ chức năm 1930 tại chùa Từ Đàm (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Vào năm 1971 thì Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã đặt tên cho lễ kết hôn tại chùa này là lễ Hằng Thuận. Tức chỉ một mối quan hệ hạnh phúc lâu dài, thể hiện tình nghĩa, đạo lý vợ chồng hòa thuận, trường tồn. 

Ý nghĩa của lễ Hằng Thuận là gì?

Đối với cô dâu, chú rể

Ý nghĩa lễ Hằng Thuận là gì
Ý nghĩa lễ Hằng Thuận là gì

Mục đích của lễ Hằng Thuận là để cho đôi uyên ương lạy Phật cũng như chư Tăng Ni. Đồng thời, Đức Phật và các nhà sư sẽ chúc phúc cho cuộc hôn nhân của họ trong một bầu không khí hết sức linh thiêng.

Buổi lễ này mang đậm dấu ấn Phật giáo, tâm linh và định hướng giúp cho các cặp đôi soi sáng tương lai. Cả hai hứa luôn giữ gìn hạnh phúc, sống có đạo đức, luôn hòa thuận và tôn trọng lẫn nhau; luôn làm tròn bổn phận cũng như trách nhiệm của mình đối với gia đình.

Đối với bạn bè, người thân

Lễ Hằng Thuận không chỉ mang lại phúc lành cho các cặp đôi mà nó còn cho cả các thành viên trong gia đình. Vì cưới hỏi tại gia là sát sinh nhiều, có khi mất phúc nên trong lễ Hằng Thuận tại chùa thì người tham gia có thể ăn một bát cơm trắng, lễ Phật và nghe Pháp để mang lại nhiều phước lành cho mọi người.

Trình tự tổ chức lễ Hằng Thuận là gì?

Trình tự tổ chức lễ Hằng Thuận cũng khá giống với một đám cưới thông thường. Nó bao gồm các hoạt động chính như: tuyên bố lý do, cầu phúc cho cặp đôi, trao nhẫn cưới và nhận lời chúc tụng của hai họ.

Lễ Hằng Thuận thường được diễn ra trong khoảng thời gian từ 45 – 60 phút tùy theo quy định của mỗi ngôi chùa cũng như là điều kiện tổ chức của cặp đôi. Trình tự cụ thể của buổi lễ diễn ra như sau:

Ổn định tổ chức

Cặp đôi quỳ trước bàn dài
Cặp đôi quỳ trước bàn dài

Cặp đôi quỳ sẽ trước bàn dài ở chính điện – nơi thực hiện nghi thức kết duyên. Họ cùng nhau hướng về nơi thờ Phật và làm theo chỉ dẫn của các vị hòa thượng chủ hôn. Bạn bè, người thân của cô dâu chú rể sẽ ngồi hai bên theo đúng quy cách là “nam tả, nữ hữu” (nhà trai đứng bên trái, nhà gái đứng bên phải).

Trước khi làm lễ thì cô dâu chú rể sẽ được chủ trì làm lễ quy y nếu như chưa có pháp danh. Còn trường hợp đã quy y thì chủ hôn sẽ tiến hành tuyên bố lý do buổi lễ, giới thiệu các thành phần tham dự. Sau đó là đại diện của hai gia đình nói lời phát biểu.

Thực hiện nghi lễ chính

Nghi lễ ký tên vào giấy chứng nhận
Nghi lễ ký tên vào giấy chứng nhận

Nghi lễ chính của lễ Hằng Thuận thường bao gồm có 4 bước căn bản như sau:

  • Bước 1: Cô dâu chú rể đọc lời nguyện đã chuẩn bị từ trước rồi sau đó cùng nhau nghe lời giảng của trụ trì liên quan đến luân thường đạo lý trong hôn nhân, gia đình cũng như ngoài xã hội.
  • Bước 2: Hòa thượng chủ hôn sẽ buộc dây tơ hồng làm bằng ruy-băng, len hoặc bằng lụa đỏ để thể hiện sự gắn bó trọn đời của đôi uyên ương.
  • Bước 3: Cô dâu chú rể thực hiện lễ niệm ân cha mẹ hai bên để thể hiện lòng biết ơn đối với công lao sinh thành, dưỡng dục. Sau đó tiến hành “phu thê giao bái” và trao nhẫn cưới cho nhau. Tiếp đến cặp đôi sẽ ký tên vào giấy chứng nhận và cùng nhau lắng nghe sư thầy chủ trì nói về ý nghĩa của việc trao nhẫn.
  • Bước 4: Đại diện hai bên gia đình sẽ có bài phát biểu để chỉ bảo cho cặp vợ chồng xây dựng gia đình hạnh phúc. Sau đó thì nhà chùa và gia đình có thể tặng hoa hoặc quà cho nhau để kết thúc buổi lễ.

Đãi tiệc sau lễ

Tổ chức tiệc sau lễ
Tổ chức tiệc sau lễ

Sau khi buổi lễ tại chính điện kết thúc thì hai bên gia đình cần cân đối thời gian để lựa chọn mời các vị chư tăng cùng với họ hàng và bạn bè thưởng thức tiệc bánh trà nhẹ nhàng hoặc là dự một bữa tiệc chay. 

  • Nếu như cặp đôi tổ chức lễ Hằng Thuận sau khi làm lễ rước dâu ở nhà gái thì việc tổ chức tiệc ngọt sẽ là sự lựa chọn phù hợp. Như vậy sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho hai bên gia đình thực hiện lễ thành hôn tại nhà trai sau đó.
  • Nếu như lễ Hằng Thuận được tổ chức sau khi kết thúc lễ cưới ở nhà trai thì cặp đôi có thể lựa chọn đãi các vị khách tham dự một bữa tiệc chay ngay tại chùa. 

XEM THÊM: 

Như vậy bạn đã hiểu được lễ Hằng Thuận là gì rồi đúng không nào? Với những người theo đạo Phật thì lễ Hằng Thuận là một nghi thức hết sức đặc biệt, là nền tảng vững chắc cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ giúp hiểu rõ hơn về nghi lễ tốt đẹp này.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *