Điệp ngữ là một biện pháp tu từ rất hay được sử dụng trong văn học. Vậy điệp ngữ là gì? Bài viết hôm nay của chúng tôi sẽ giúp bạn ôn luyện những kiến thức trọng tâm về biện pháp tu từ này nhé!
Contents
Điệp ngữ là gì?
Chương trình Ngữ Văn lớp 7 đã định nghĩa về khái niệm điệp ngữ như sau: “Khi viết hoặc nói, chúng ta có thể dùng biện pháp lặp lại từ ngữ hoặc lặp lại cả một câu để làm nổi bật ý hay gây cảm xúc mạnh. Cách lặp lại như vậy được gọi là phép lặp từ và từ ngữ được lặp lại được gọi là điệp ngữ.”
Như vậy, có thể hiểu đơn giản điệp ngữ là biện pháp nghệ thuật lặp đi, lặp lại một từ hoặc một cụm từ hoặc câu để nhấn mạnh hoặc tăng tính biểu cảm cho đoạn thơ, đoạn văn..
Ví dụ điệp ngữ:
“Đã nghe nước chảy lên non
Đã nghe đất chuyển thành con sông dài.
Đã nghe gió ngày mai thổi lại.
Đã nghe hồn thời đại bay cao.”
=> Điệp ngữ “đã nghe” được tác giả nhắc lại nhằm nhấn mạnh quá trình đổi mới cuộc sống đang diễn ra với một tâm trạng lạc quan, phấn khởi trước những thành quả ý nghĩa của công cuộc xây dựng.
Ngoài việc lặp cụm từ, người ta cũng có thể lặp lại cả một dạng câu (có thể là câu nghi vấn, câu cảm thán, câu cầu khiến,..) trong một đoạn văn. Cách lặp này được gọi là điệp cấu trúc câu (hay còn được gọi là điệp cấu trúc cú pháp).
Ví dụ về điệp cấu trúc câu:
“Tôi yêu người Việt Nam này
Cả trong câu hát ca dao
Tôi yêu người Việt Nam này
Cười vui để quên đớn đau
Tôi yêu người Việt Nam này
Mẹ ơi con mãi không quên
Ngàn nụ hôn trong tim
Dành tặng quê hương Việt Nam.”
=> Trong đoạn thơ trên, tác giả đã lặp lại câu “Tôi yêu người Việt Nam nay”.
Bài viết tham khảo: Nhân hóa là gì? Có những cách nhân hóa nào? Ví dụ minh họa
Tác dụng của điệp ngữ là gì?
Tăng sức gợi hình
Điệp ngữ là một biện pháp nghệ thuật được sử dụng rất phổ biến trong văn chương. Nó giúp khắc họa rõ nét hình ảnh của sự vật, sự việc hoặc tình cảm mà tác giả gửi gắm vào trong tác phẩm.
Ví dụ: “Dốc lên khúc khuỷu, dốc lên thăm thẳm”.
=> Điệp từ “dốc” giúp người đọc có thể hình dung được hình ảnh đồi núi trập trùng, đầy hiểm trở.
Tạo sự nhấn mạnh
Việc lặp lại một từ hoặc một cụm từ giúp nhấn mạnh hàm ý, tâm tư, tình cảm, nỗi lòng của nhân vật được nhắc đến trong đoạn thơ, đoạn văn.
Ví dụ:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!”
=> Cụm từ “Một bếp lửa” được tác giả nhắc lại 2 lần có tác dụng nhấn mạnh hình ảnh bếp lửa đã khắc rất sâu trong tâm trí của người cháu. Tác giả muốn mượn hình ảnh “bếp lửa” để thể hiện nỗi nhớ nhung da diết về người bà kính yêu của mình.
Tạo sự liệt kê
Điệp ngữ có tác dụng liệt kê sự vật, sự việc được nhắc đến trong đoạn thơ, đoạn văn nhằm mục đích làm sáng tỏ ý nghĩa và tính chất của sự vật, sự việc đó.
Ví dụ:
“Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát….
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba”
=> Điệp từ “có” được tác giả lặp lại giúp người đọc hình dung ra những nhân tố quan trọng làm nên hạt gạo, đó là: vị phù sa, hương sen, lời mẹ hát, bão tháng 7, mưa tháng 3. Qua đó chúng ta có thể cảm nhận được sự vất vả, cực nhọc của hậu phương để làm ra lương thực cung cấp cho tiền tuyến trong thời chiến tranh.
Tác dụng khẳng định
Phép điệp ngữ được sử dụng để khẳng định một sự vật, hiện tượng, một vấn đề tất yếu nào đó sẽ xảy ra.
Ví dụ: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của pháp hơn tám mươi năm nay. Một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”.
=> Điệp ngữ “dân tộc đó phải được” nhằm khẳng định một tính tất yếu là dân tộc ta xứng đáng được giành độc lập, giành tự do.
Các dạng điệp ngữ
Điệp ngữ cách quãng
Đây là hình thức lặp lại một từ hoặc một cụm từ mà trong đó các từ, cụm từ được lặp cách quãng với nhau, không có sự liên tiếp.
Ví dụ:
“Thương thay thân phận con tằm.
Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.
Thương thay lũ kiến li ti.
Kiếm ăn được mấy phải đi tha mồi.”
=> “Thương thay” là điệp ngữ ngắt quãng nhằm thể hiện sự thương xót, đồng cảm của tác giả đối với những con người “thấp cổ bé họng” trong xã hội phong kiến xưa.
Điệp ngữ nối tiếp
Đây là hình thức lặp lại một từ, một cụm từ có sự liên tiếp nhau nhằm nhấn mạnh một vấn đề hoặc một sự vật, hiện tượng nào đó.
Ví dụ:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công”.
=> Điệp ngữ “đoàn kết” và “thành công” được lặp lại nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đoàn kết.
Điệp ngữ vòng
Điệp ngữ vòng hay còn được gọi là điệp ngữ chuyển tiếp. Đây là hình thức lặp lại một từ hoặc một cụm từ nằm ở phần cuối của câu trên và chuyển tiếp xuống đầu câu dưới giúp tạo sự liền mạch về ngữ nghĩa cho câu thơ, câu văn. Hình thức điệp ngữ này được sử dụng phổ biến trong thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, lục bát,…
Ví dụ:
“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
=> Điệp ngữ chuyển tiếp “thấy, ngàn dâu” giúp cho câu văn được liền mạch, không bị ngắt quãng. Đồng thời, nó cũng làm nổi bật nỗi sầu, nỗi buồn li biệt diễn ra triền miên trong tâm hồn của người chinh phụ.
Phân biệt lỗi lặp từ và biện pháp điệp ngữ
Đôi khi các từ ngữ được lặp lại trong đoạn văn nhưng không có giá trị nghệ thuật được gọi là lỗi lặp từ thông thường. Vì vậy, chúng ta cần phải hiểu rõ điệp ngữ là gì và phân biệt nó với lỗi lặp từ thông thường:
- Phép điệp: Là biện pháp lặp lại một từ, một cụm từ hoặc một câu có chủ đích của người viết nhằm mục đích chính là nhấn mạnh.
- Phép lặp từ thông thường: Là lỗi lặp lại một từ hoặc một cụm từ và không có bất kỳ giá trị nghệ thuật nào cả.
Ví dụ:
- “Hôm nay không có thông báo mới, khi nào có thông báo mới tôi sẽ thông báo lại cho tất cả mọi người”.
=> Từ “thông báo” được lặp lại 3 lần trong câu nhưng không có giá trị nghệ thuật nào cả. Nó khiến cho câu văn trở nên rườm rà, không có sự mạch lạc.
- “Đây là bố tôi, đây là mẹ tôi và đây là em trai của tôi”.
=> Từ “đây” được lặp lại nhiều lần với tác dụng giới thiệu các thành viên trong gia đình của nhân vật “tôi” chứ không có tác dụng gợi cảm xúc của người đọc.
Lưu ý khi sử dụng phép điệp ngữ
Ngoài việc hiểu rõ điệp ngữ là gì và tác dụng, khi sử dụng biện pháp tu từ này, các bạn cũng cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
- Chỉ sử dụng điệp ngữ khi cần thiết, có mục đích và phải diễn đạt rõ ràng, mạch lạc. Không nên lạm dụng quá mức khiến cho đoạn văn rườm rà, khó hiểu.
- Trong một bài văn, chúng ta có thể kết hợp nhiều biện pháp tu từ với nhau như: so sánh, hoán dụ, ẩn dụ, điệp ngữ,… nhưng nên sử dụng một cách có chọn lọc, không nên sử dụng quá nhiều biện pháp tu từ khi bạn không đủ “khả năng”.
Bài viết tham khảo: True tone là gì? Cách bật true tone trên điện thoại iphone
Hy vọng qua bài bài viết “Điệp ngữ là gì? Các loại điệp ngữ & tác dụng của chúng trong câu” sẽ củng cố cho các bạn nhiều kiến thức hữu ích về biện pháp tu từ này. Nếu bạn có câu hỏi gì thắc mắc, hãy để lại bên dưới bài viết, chúng tôi sẽ giải đáp sớm nhất cho bạn.