Trong những năm gần đây, ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG nhanh chóng lên ngôi và mang lại nhiều cơ hội phát triển. Vậy FMCG là gì? Để hiểu rõ hơn về ngành hàng này cũng như xu hướng phát triển tại thị trường Việt Nam, mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi nhé!
Contents
FMCG là gì?
FMCG là viết tắt của cụm từ “Fast Moving Consumer Goods”, có nghĩa là ngành hàng tiêu dùng nhanh. Đây là những sản phẩm được bán nhanh chóng với mức chi phí sản xuất thấp. Một số mặt hàng FMCG như: thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm chăm sóc cá nhân,… Đặc biệt, các loại thuốc không kê đơn, văn phòng phẩm, hàng nhựa, đồ điện tử tiêu dùng đều được xếp vào nhóm hàng tiêu dùng nhanh.
Bên cạnh đó, FMCG còn có tên gọi khác là CPG (Consumer Packaged Goods), có nghĩa là hàng tiêu dùng đóng gói. Đó là những sản phẩm được sản xuất với số lượng lớn, có thời hạn sử dụng thấp nhưng được tiêu thụ nhanh do khách hàng có nhu cầu mua lại rất cao.
Nhìn chung, các mặt hàng FMCG đều là những sản phẩm thiết yếu và được các thành viên trong gia đình sử dụng hàng ngày. Theo thống kê, hàng FMCG chiếm hơn 50% trong tổng chi tiêu hàng năm của người tiêu dùng. Điều đó càng cho thấy tầm quan trọng của mặt hàng này trong cuộc sống.
Bài viết tham khảo: Flagship là gì? Đâu là một sản phẩm được coi là flagship
Công ty FMCG là gì?
Đó là các doanh nghiệp, các nhà sản xuất mặt hàng tiêu dùng hàng ngày phục vụ cho nhu cầu của con người.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tính cạnh tranh của các dòng sản phẩm trong công ty FMCG là cực kỳ cao bởi sự đa dạng của các mặt hàng FMCG dẫn đến sự đa dạng về ngành hàng, sản phẩm. Do vậy trên thị trường, mỗi sản phẩm sẽ xuất hiện nhiều nhãn hàng đến từ các công ty khác nhau. Điều này đòi hỏi các công ty FMCG cần phải đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể thu hút và tạo uy tín với người dùng. Đồng thời, công ty cũng cần nắm rõ thị hiếu của người dùng và tìm kiếm các kênh phân phối phù hợp để đến gần hơn với khách hàng; từ đó giúp tăng doanh thu.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các công ty FMCG nổi tiếng và gặt hái được nhiều thành công như: Pepsi, Unilever, Coca cola, Lavie, Vinamilk,…
Các loại hàng tiêu dùng FMCG
Các mặt hàng FMCG rất đa dạng và được chia thành nhiều loại khác nhau, gồm có:
- Thực phẩm chế biến như: ngũ cốc, phô mai, mì đóng hộp,…
- Thực phẩm chuẩn bị: Thức ăn sẵn.
- Đồ uống: Bia, rượu, nước ngọt, nước đóng chai, nước trái cây,…
- Đồ ăn nhanh: bánh quy, bánh mì,…
- Thực phẩm tươi sống, đông lạnh, đồ khô: thịt, cá, ra, hoa quả, các loại hạt khô,…
- Thuốc: Các loại thuốc có thể mua mà không cần bác sĩ kê toa.
- Mỹ phẩm và các đồ dùng vệ sinh như: sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc, chăm sóc răng miệng, bột giặt,…
- Đồ dùng văn phòng như bút, giấy, vở,…
Đặc điểm của các mặt hàng FMCG
- Có giá thành thấp.
- Thời hạn sử dụng ngắn.
- Khách hàng có khả năng mua lại cao.
- Lợi nhuận trên một sản phẩm khá thấp nhưng do được bán với số lượng lớn nên biên lợi nhuận cộng lại cao.
- Người tiêu dùng và nhà sản xuất không tương tác trực tiếp với nhau mà thông qua các hệ thống, các điểm bán lẻ.
- Có khả năng bị ảnh hưởng bởi tính chất mùa vụ.
Xu hướng phát triển FMCG tại thị trường Việt Nam
Xây dựng thương hiệu cao cấp và các nhãn hàng riêng
Hiện nay, số lượng các thương hiệu cao cấp và nhãn hàng có xu hướng tăng trưởng nhanh, đem lại nguồn doanh thu lớn cho các chủ doanh nghiệp. Hơn nữa, nhu cầu người tiêu dùng ngày càng cao; họ sẵn sàng lựa chọn các thương hiệu đặc trưng và mua hàng từ những thương hiệu đó.
Vì vậy, việc tập trung xây dựng các thương hiệu chất lượng sẽ giúp thu hút nhiều khách hàng tiềm năng. Mỗi sản phẩm chất lượng sẽ đánh sâu vào tiềm thức của người dùng thông qua các chương trình khuyến mãi, quảng cáo,… Từ đó thúc đẩy hành vi mua của khách hàng.
Cải tiến mô hình kinh doanh
Một người lãnh đạo công ty FMCG tài giỏi sẽ hiểu được rằng để có thể chiếm lĩnh được thị phần lớn thì họ cần phải tăng tốc nhanh hơn so với đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất và quy mô kinh doanh là biện pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp có thể tạo ra các bước nhảy vọt lớn.
Thay đổi kết cấu
Chi phí kinh doanh của ngành hàng FMCG sẽ tăng lên đáng kể nếu các kết cấu được liên kết với nhau chặt chẽ, bao gồm cả phân phối truyền thống và các trang thương mại điện tử.
Thực tế đã chứng minh rằng ngày càng có nhiều người tiêu dùng thích mua hàng trực tuyến và sức mua cũng tăng mạnh hơn. Điều này đồng nghĩa với sức mua tại kênh truyền thống bị sụt giảm. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải có những chiến lược cụ thể để tiếp tục giữ vững hoặc thay đổi kết cấu kinh doanh cho phù hợp.
Thay đổi các ngành hàng
Theo báo cáo của quý I năm 2019, sức mua của 6 nhóm hàng FMCG (thực phẩm, đồ chăm sóc gia đình, đồ uống, sản phẩm được chế biến từ sữa, thuốc lá và đồ chăm sóc cá nhân) được cho là tiêu thụ mạnh trong dịp lễ tết nhưng lại bị sụt giảm so với các năm trước.
Bên cạnh đó, trong 6 nhóm ngành hàng trên, chỉ có thuốc lá và đồ uống là đạt tốc độ tăng trưởng dương. Nguyên nhân có thể là do người dùng đang có sự thay đổi về quan niệm trong dịp lễ tết khiến hành vi mua sắm của họ cũng thay đổi theo. Vì vậy, các công ty FMCG cần phải có những phân tích, đánh giá cụ thể để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp.
Cắt giảm ở khâu trung gian bán hàng
Trong thị trường cạnh tranh khốc liệt như ngày nay, việc cắt giảm khâu bán hàng trung gian và hướng tới bán hàng trực tiếp đến tay khách hàng đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng FMCG.
Các doanh nghiệp sản xuất có thể tự đưa sản phẩm của mình tới tay người tiêu dùng thông qua các trang thương mại điện tử hoặc các cửa hàng của doanh nghiệp.
Dinh dưỡng và làm đẹp có xu hướng tăng trưởng mạnh
Hiện nay, người dùng rất chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, chăm sóc bản thân và làm đẹp. Xu hướng này cũng thúc đẩy nhiều công ty hoạt động trong phân khúc này tăng cường đầu tư hoặc sáp nhập thêm để có thể chiếm lĩnh được thị trường lớn.
Cơ hội nghề nghiệp của ngành FMCG
Tham gia vào thị trường ngành FMCG, bạn có cơ hội làm việc tại nhiều vị trí như:
Quản lý an toàn sức khỏe
Nhân viên đảm nhận vị trí này sẽ phải kiểm tra các khía cạnh khác nhau về chất lượng sản phẩm theo những tiêu chí mà doanh nghiệp đề ra trước đó.
Bên cạnh đó, nhân viên quản lý cũng phải thường xuyên thiết kế chương trình đào tạo để phát triển nhân sự mới cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, khi báo cáo công việc cho các nhà quản lý cấp cao hơn, nhân sự phải biết cách điều tiết, điều chỉnh hợp lý sao cho đáp ứng tốt các tiêu chuẩn cũng như yêu cầu mà cấp trên đưa ra.
Quản lý kinh doanh
Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, nhân sự làm việc trong ngành FMCG luôn phải không ngừng học hỏi, sáng tạo để có thể bắt kịp với xu hướng thị trường và tiếp cận đúng tập khách hàng tiềm năng mà sản phẩm hướng tới.
Đặc biệt, người làm quản lý kinh doanh cũng phải biết cách điều tiết, kiểm soát các khía cạnh về phát triển dịch vụ, tăng trưởng lợi nhuận,…. sao cho phù hợp với chi phí cũng như các hoạt động quản lý nội bộ của doanh nghiệp.
Quản lý cổ tức nội bộ
Nhân sự có trách nhiệm phân phối cổ tức cho các thành viên trong nội bộ của doanh nghiệp. Trong quá trình làm việc, người quản lý thường xuyên phải cập nhật về quy trình kiểm soát cổ tức cho phù hợp với sự phát triển cũng như thay đổi trong doanh nghiệp.
Nhà phân tích quy trình
Nhân sự phải có hiểu biết sâu sắc về hoạt động doanh nghiệp, các đối tác cung cấp hàng hóa của chuỗi cung ứng. Từ đó, đưa ra bảng phân tích doanh nghiệp dưới nhiều góc độ khác nhau, phục vụ cho các dự định trong tương lai.
Vị trí này đòi hỏi người quản lý cần phải có kỹ năng phân tích, kỹ năng diễn giải số liệu trong quy trình hệ thống nội bộ của doanh nghiệp,,. để kiểm soát chất lượng của sản phẩm, tối đa hóa hiệu quả kinh doanh. Đồng thời cũng đưa ra những quan điểm phân tích, đánh giá chuyên sâu về hoạt động doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại.
Trưởng bộ phận kiểm soát các nguồn lực
Trường bộ phận kiểm soát sẽ đề xuất các kế hoạch chiến lược nhằm cân đối nguồn lực cần thiết của doanh nghiệp, ví dụ như giữ giá sản phẩm ở mức thấp nhất có thể mà vẫn phải đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng và các tiêu chuẩn được đề ra trước đó.
Mục tiêu chính của vị trí này là phải duy trì các lợi thế hiện có nhằm mang lại lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp so với đối thủ.
Bài viết tham khảo: Bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất MSDS là gì? Cách làm MSDS
Các công ty FMCG ở Việt Nam
Công ty CP sữa Việt Nam Vinamilk
Đây là công ty uy tín hàng đầu trong nhóm ngành bánh kẹo, đường và sữa. Tại Việt Nam, Vinamilk đang chiếm hơn 50% thị phần sữa và là thương hiệu được nhiều khách hàng lựa chọn.
Các sản phẩm của Vinamilk rất đa dạng với nhiều nhãn hiệu được ưa chuộng như sữa chua, sữa nước, phô mai, sữa đặc, nước giải khát, sản phẩm dinh dưỡng dành cho người lớn tuổi,…
Không chỉ được ưa chuộng tại Việt Nam mà Vinamilk còn được phân phối tại nhiều quốc gia khác trên thế giới như Thái Lan, Mỹ,…
Công ty CP Hàng Tiêu Dùng Masan
Masan được đánh giá là một trong những công ty sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất tại Việt Nam. Hiện nay, công ty đang sản xuất và phân phối rất nhiều các mặt hàng thực phẩm, đồ uống như: hàng thực phẩm tiện lợi (bữa sáng tiện lợi, mì ăn liền), mặt hàng gia vị (tương ớt, nước tương và nước mắm) và đồ uống (nước khoáng, ngũ cốc hòa tan và cà phê hòa tan)
Masan chính thức đi vào hoạt động từ năm 2000 và phát triển thành công nhiều thương hiệu uy tín, được khách hàng yêu thích và tin dùng như: Nam Ngư, Chinsu, Kokomi, Omachi,….
Công ty CP Acecook Việt Nam
Acecook là công ty chuyên sản xuất thực phẩm ăn liền uy tín tại Việt Nam với hệ thống 10 nhà máy; hơn 300 đại lý phân phối, 4 chi nhánh kinh doanh và chiếm lĩnh gần 50% thị phần trên thị trường.
Kể từ khi thành lập, Acecook luôn không ngừng sáng tạo và thử thách cái mới nhằm mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng, thơm ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Một số thương hiệu mì ăn liền của Acecook: Hảo Hảo, Udon,…
Công ty CP Thực Phẩm Á Châu
Á Châu có hệ thống phân phối trải dài khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam; từ hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, canteen trường học, bệnh viện cho đến những cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Vì vậy mà người tiêu dùng có thể dễ dàng nhìn thấy các sản phẩm của hãng trên thị trường với nhiều sản phẩm tiêu biểu như: Mì gấu đỏ, mì trứng vàng, mỳ mộc việt, mì khoai tây jomo, cháo gấu đỏ, cháo dinh dưỡng nước cốt, phở gấu đỏ, hủ tiếu gấu đỏ,….
Với tiêu chí luôn đặt chất lượng làm mục tiêu hàng đầu, Á Châu đã không ngừng cải tiến công nghệ và nghiên cứu để phát triển nhiều sản phẩm mới, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, công ty luôn đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào sạch, an toàn và ưu tiên lựa chọn các nhà cung ứng uy tín như: bột mì nhập khẩu từ Úc, gạo nàng thơm chợ Đào của Đồng bằng sông Cửu Long,…
Công ty CP Thực Phẩm Đông Lạnh Kido
Suốt quá trình hình thành và phát triển, Kido luôn không ngừng cải tiến chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra nhiều thương hiệu mới gây ấn tượng mạnh mẽ với người tiêu dùng.
Hiện nay, Kido được đánh giá là một “ông trùm lớn” trong ngành đông lạnh có thị phần lớn trên thị trường và phân phối nhiều loại sản phẩm như: kem ly, kem tub, sữa chua hũ, siro, sữa chua đá, kem ốc quế, thực phẩm đông lạnh,…
Ngoài ra, còn có rất nhiều các công ty FMCG ở Việt Nam khác như: Nutifood Việt Nam, Công ty CP bánh kẹo Hải Hà, Công ty CP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản,….
Trên đây là toàn bộ thông tin chia sẻ lĩnh vực FMCG là gì, xu hướng thị trường FMCG và cơ hội nghề nghiệp nếu bạn có ý định muốn theo đuổi ngành nghề này. Hy vọng qua những thông tin chia sẻ trên sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều kiến thức hay và bổ ích. Nếu bạn có thắc mắc hay góp ý thêm về bài viết, hãy để lại bình luận cho chúng tôi biết nhé!