Trình độ chuyên môn là điều kiện tiên quyết ảnh hưởng trực tiếp đến lợi thế và khả năng cạnh tranh của các ứng viên khi đi xin việc. Vậy trình độ chuyên môn là gì? Mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây để hiểu rõ hơn nhé!
Contents
- Trình độ chuyên môn là gì?
- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ là gì?
- Vai trò của trình độ chuyên môn là gì?
- Các yếu tố đo lường trình độ chuyên môn
- Phân biệt trình độ học vấn, trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn
- Trình độ chuyên môn ghi như thế nào trong Sơ yếu lý lịch?
- Các cấp bậc về trình độ chuyên môn trong hệ thống đào tạo
Trình độ chuyên môn là gì?
Trình độ chuyên môn tiếng Anh là professional qualification; được dùng để mô tả khả năng hay năng lực cá nhân về một lĩnh vực cụ thể nào đó. Nó được thể hiện qua những cấp bậc nhất định như: Sơ cấp, Trung Cấp, Cao Đẳng, Cử Nhân, Thạc Sĩ, Tiến Sĩ,…
Trình độ chuyên môn không chỉ là những kiến thức bạn tiếp thu trong quá trình đào tạo mà còn là khả năng vận dụng các kiến thức đó vào môi trường làm việc thực tế.
Bài viết tham khảo: Bằng PhD là gì? Sự khác nhau giữa PhD Candidate & PhD Student
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ là gì?
Đó là hệ thống các yêu cầu liên quan đến năng lực nghề nghiệp mà mỗi công việc cần phải có như: kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, nhân phẩm, cách hành xử, định hướng phát triển tương lai,… để hoàn thành nhiệm vụ được giao tốt nhất.
Hiện nay, có rất nhiều các chương trình học ra đời để bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cho người lao động. Vì vậy, bất cứ khi nào có nguyện vọng, người lao động có thể làm đơn xin đi học để việc học diễn ra thuận lợi nhất.
Vai trò của trình độ chuyên môn là gì?
Trình độ chuyên môn có vai trò cực kỳ quan trọng. Tất cả chúng ta có thể cùng học một chương trình văn hóa từ lớp 1 cho đến lớp 12. Tuy nhiên, để làm những công việc khác nhau trong cuộc sống, mỗi người sẽ lựa chọn và được đào tạo các kiến thức chuyên ngành khác nhau.
Ví dụ, một người có trình độ văn hóa 12/12 sẽ không thể đảm nhận công việc của một luật sư. Chỉ những người đã tốt nghiệp đại học Luật, được đào tạo bài bản thì mới có thể đảm nhận được vị trí công việc này.
Các yếu tố đo lường trình độ chuyên môn
Có nhiều cách để đo lường trình độ chuyên môn; tuy nhiên, thông thường người ta sẽ dựa vào các yếu tố sau:
Kiến thức và các kỹ năng liên quan đến lĩnh vực chuyên môn
Kiến thức và kỹ năng là yếu tố quan trọng hàng đầu để đánh giá trình độ của một người xét trên phương diện chuyên môn nào đó. Ví dụ, một người làm kế toán phải có kiến thức về kế toán và các kỹ năng liên quan như: xử lý các chứng từ, số liệu, khả năng nhạy bén trước những con số,…
Các kỹ năng kèm theo
Đó là các kỹ năng bổ trợ cho công việc, ví dụ như: ngoại ngữ, sử dụng phần mềm, tin học văn phòng,… Mỗi ngành nghề sẽ có yêu cầu về các kỹ năng kèm theo khác nhau.
Sức khỏe nghề nghiệp
Đừng bỏ qua yếu tố này nhé bởi một số công việc yêu cầu người làm phải có sức khỏe tốt bên cạnh các kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Điển hình như làm tiếp viên hàng, phi công.
Phân biệt trình độ học vấn, trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn
Rất nhiều người nhầm lẫn và cho rằng 3 khái niệm trên là giống nhau. Tuy nhiên, quan điểm đó là không chính xác bởi trình độ văn hóa, trình độ học vấn và trình độ chuyên môn là 3 khái niệm khác nhau hoàn toàn. Cụ thể như sau:
Trình độ văn hóa | Trình độ học vấn | Trình độ chuyên môn |
– Được xét dựa trên các cấp độ như: mù chữ – tiểu học – trung học cơ sở – trung học phổ thông.
– Được quy đổi ra từng cấp bậc bằng các con số cụ thể, ví dụ: 5/12 (học hết lớp 5), 10/12 (học hết lớp 10), 12/12 (học hết lớp 12),… |
– Thể hiện khả năng học vấn của một cá nhân đã đạt tới mức độ nào.
– Thường thể hiện qua các cấp bậc như: Tiểu học – Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học,… – Trình độ học vấn bao hàm 2 yếu tố: Trình độ văn hóa + trình độ chuyên môn. |
– Thể hiện năng lực, khả năng của bạn về một lĩnh vực cụ thể nào đó.
– Được chia thành nhiều cấp bậc khác nhau như: Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân, Kỹ sư,… |
Trình độ chuyên môn ghi như thế nào trong Sơ yếu lý lịch?
Thông thường, mục trình độ chuyên môn trong Sơ yếu lý lịch để khoảng trống ngắn. Vì vậy, bạn cần phải trình bày thật ngắn gọn nhưng vẫn phải đảm bảo các nội dung sau:
- Học hàm cao nhất: Kỹ sư, Tiến sĩ, Cử nhân, Thạc sĩ,…
- Chương trình đào tạo: Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp,…
- Chuyên ngành đào tạo: Tài chính – ngân hàng, Điện tử, Kế toán, Sư phạm mầm non, Công nghệ thông tin,…
Ví dụ: Bạn tốt nghiệp Đại học Thương Mại chuyên ngành “Quản trị Thương mại điện tử” thì mục trình độ chuyên môn sẽ ghi như sau: Cử nhân chuyên ngành Quản trị Thương mại điện tử.
Hay nếu bạn tốt nghiệp trường Cao đẳng du lịch Hà Nội chuyên ngành ngôn ngữ Anh thì chỉ cần ghi là: “Cao đẳng ngành ngôn ngữ Anh”.
Các cấp bậc về trình độ chuyên môn trong hệ thống đào tạo
Trình độ chuyên môn sơ cấp
Trình độ chuyên môn sơ cấp dành cho những ngành nghề liên quan đến kỹ thuật. Bạn sẽ vừa học lý thuyết, vừa thực hành để có thể nhanh chóng nắm được các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cơ bản. Thời gian học của cấp bậc này tương đối ngắn, thường dao động từ 3 tháng – 6 tháng.
Sau khi hoàn thành chương trình học, bạn có thể thành thạo các thao tác trong công việc nhưng sẽ làm việc dưới sự giám sát, quản lý của những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao hơn.
Trình độ chuyên môn trung cấp
Chương trình đào tạo này phù hợp với những bạn tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc Trung học cơ sở. Thời gian học đối với các bạn tốt nghiệp trung học phổ thông là 2 năm và tốt nghiệp trung học cơ sở là 4 năm.
Sau khi hoàn thành, bạn sẽ nắm vững kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và có thể hoàn thành công việc một cách độc lập.
Trình độ chuyên môn cao đẳng
Đối với chương trình này, các bạn sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức rộng về một chuyên ngành cụ thể. Sau khi tốt nghiệp, bạn có khả năng thực hành, giải quyết các vấn đề ở nhiều mức độ, dễ thích ứng với sự thay của môi trường, có kỹ năng giám sát, quản lý cơ bản.
Chỉ những bạn tốt nghiệp học trung học phổ thông thì mới có thể nộp hồ sơ xét tuyển. Thời gian học cao đẳng thường kéo dài từ 2.5 – 3.5 năm.
Trình độ chuyên môn đại học
Chương trình đại học giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và có khả năng giải quyết các vấn đề có độ phức tạp cao. Thời gian học đại học có thể kéo dài từ 4 – 5 năm hoặc lâu hơn tùy từng chuyên ngành.
Trình độ chuyên môn thạc sĩ, tiến sĩ
Chỉ những người tốt nghiệp đại học mới có thể theo học chương trình này. Những người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ có khả áp dụng các kiến thức chuyên môn để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn và đưa ra định hướng phát triển trong tương lai.
Bài viết tham khảo: Khối D gồm những ngành nào? Các trường đại học khối D
Trên đây là thông tin giải đáp thắc mắc trình độ chuyên môn là gì. Mong rằng qua những chia sẻ trên sẽ mang đến nhiều thông tin bổ ích giúp bạn đọc có thể định hướng được mục tiêu học tập, rèn luyện tốt nhất cho mình!