Bài thơ Bánh trôi nước chỉ có vẻn vẹn 4 câu với đề tài bình dị nhưng chứa đựng một luồng sáng mới. Đó là sự ý thức về một xã hội đầy bất công cho thân phận người phụ nữ. Dù họ có xinh đẹp và có nhân phẩm tốt đến đâu cũng bị vùi dập, cuộc sống tối tăm, lênh đênh, không một chút tia sáng của sự hi vọng.
Contents
Đôi nét giới thiệu về bài thơ Bánh trôi nước
Bài thơ Bánh trôi nước của tác giả nào?
Bài thơ Bánh trôi nước tác giả là ai? Bài thơ bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương – người được mệnh danh là Bà Chúa thơ Nôm. Bà là một trong số ít các nữ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn đến nền văn học Việt Nam.
Hồ Xuân Hương sống vào khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỉ 19. Bà là người thông minh, sắc sảo, tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời lại gặp nhiều éo le, vất vả. Bởi vậy, bao tâm tình của mình đều được nữ sĩ gửi gắm vào thơ vào chất giọng đầy cá tính, táo bạo và thách thức với đời.
Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Bánh trôi nước?
Bài thơ được sáng tác trong thời đại xã hội phong kiến với tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, đa thê đa thiếp khiến cuộc đời người phụ nữ phải chịu cảnh bất hạnh, hắt hủi đến đau thương. Bản thân Hồ Xuân Hương cũng là phận nữ nhi nên bà rất đồng cảm và thấu hiểu sự bất hạnh của người phụ nữ.
Bài thơ Bánh trôi nước thuộc thể thơ gì?
Bánh trôi nước thơ được viết theo thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt đường luật – được ra đời vào khoảng thế kỷ VII ở Trung Quốc (thời nhà Đường).
Bài thơ gồm có 4 câu và mỗi câu có 7 chữ. Các câu 1, 2, 4 hoặc 2, 4 hiệp vần nhau ở chữ cuối cùng. Bốn câu thơ được triển khai theo thứ tự là Khai – Thừa – Chuyển – Hợp.
Hiện nay, bài thơ Bánh trôi được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ Văn 7.
Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.(1)
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son(2)(1) Bánh trôi khi luộc trải qua chìm nổi mấy lần trong nước mới chín.
(2) Tấm lòng son: Bánh trôi khi luộc chín thì nhân đường bánh trôi ở giữa đỏ thắm như son: ví với người con gái dù có long đong ba chìm bảy nổi, vẫn giữ tấm lòng thành thực trong tình yêu.
Đặc điểm của bài thơ Bánh trôi nước
Ý nghĩa bài thơ Bánh trôi nước
Về mặt nội dung, Bánh trôi nước thơ mang nhiều tầng nghĩa khác nhau. Vậy, bài thơ Bánh trôi nước có mấy lớp nghĩa?
Bài thơ gồm có 2 tầng nghĩa, đó là:
* Tầng nghĩa thứ nhất
Đây là nghĩa thực, được thể hiện rõ nhất trong 2 câu thơ đầu tiên:
“Thân e vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non”.
Tác giả bài thơ bánh trôi nước đã miêu tả rất kỹ về hình ảnh chiếc bánh trôi với các đặc điểm như: trắng, tròn, mịn màng, ăn rất ngon. Khi luộc bánh, ban đầu, chúng ta sẽ thấy bánh chìm xuống nước khi còn sống và nổi lên trên mặt nước khi đã chín.
* Tầng nghĩa thứ hai:
Nghĩa thứ 2 trong bài thơ Bánh trôi nước là nghĩa tượng trưng. Thông qua hình ảnh chiếc bánh trôi, tác giả muốn ngợi ca vẻ đẹp hình thể và phẩm chất trong sáng, tình nghĩa của người phụ nữ xưa. Đồng thời cũng thể hiện sự xót xa cho thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến, lênh đênh, chìm nổi, bị coi rẻ về tính mạng và nhân phẩm, không nơi nương tựa.
Nghệ thuật bài thơ Bánh trôi nước
Chỉ với 4 câu thơ ngắn gọn nhưng Hồ Xuân Hương vẫn truyền tải trọn vẹn thông điệp đến với độc giả nhờ các biện pháp nghệ thuật sau:
* Sự sáng tạo khi đã xây dựng nhiều tầng nghĩa qua nghệ thuật tả thực kết hợp với thành ngữ, ẩn dụ và đảo ngữ
- Nghệ thuật tả thực “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”, “bảy nổi ba chìm”: Miêu tả chân thực, chi tiết từ hình dáng đến các thức làm bánh. Những chiếc bánh trôi trắng, tròn, luộc chưa chín thì chìm mà chín rồi thì nổi.
- Nghệ thuật ẩn dụ “trắng, tròn”, “bảy nổi ba chìm”, “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”: Cách nói ẩn dụ này thể hiện vẻ đẹp hình thể đầy nữ tính, duyên dáng và vẻ đẹp tâm hồn với tấm lòng son sắt, chung thủy. Mặc dù vậy, họ lại không tự quyết định được số phận của mình mà sống lênh đênh, trôi nổi, bấp bênh và phải phụ thuộc vào nam giới.
- Thành ngữ trong bài thơ Bánh trôi nước được tác giả đảo thành “bảy nổi ba chìm” để nhấn mạnh hơn về cuộc sống phiêu dạt, lên xuống, long đong vất vả nhiều phen của người phụ nữ.
* Ngôn ngữ bình dị, dễ hiểu
Chủ đề của bài thơ Bánh trôi nước được nữ sĩ truyền tải với ngôn ngữ bình dị, dễ hiểu bằng việc sử dụng thành ngữ (ba chìm bảy nổi), mô típ dân gian quen thuộc (Thân em) nên có khả năng truyền tải sâu sắc. Chúng không chỉ đơn thuần là một bài thơ mà còn là tiếng lòng, là sự ai oán của người phụ nữ, xót thương cho phận nữ và oán trách về xã hội bất công.
* Vận dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt
Thể thơ của bài thơ Bánh trôi nước là thất ngôn tứ tuyệt với giai điệu du dương như bản giao hưởng, đọc lên rất êm tai và dễ nhớ. Bởi vậy, bài thơ rất dễ tiếp cận và ngấm sâu vào máu của nhiều thế hệ.
Các dạng bài tập về bài thơ Bánh trôi nước và hướng dẫn cách làm
Các dạng bài tập thường gặp
Đối với bài thơ về Bánh trôi nước, chúng ta thường gặp các dạng bài tập sau:
Dạng 1: Phát biểu cảm nghĩ (pbcn) hoặc nêu cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước ngắn
Dạng 2: Biểu cảm về bài thơ Bánh trôi nước
Dạng 3: Thuyết minh về bài thơ Bánh trôi nước
Dạng 4: Nêu ý nghĩa của bài thơ Bánh trôi nước
Dạng 5: Đây là dạng bài tập nhỏ, có thể yêu cầu các bạn sinh trình bày xuất xứ bài thơ Bánh trôi nước hoặc tìm quan hệ từ, đại từ, thành ngữ,… trong bài thơ Bánh trôi nước và cho biết tác dụng.
Hướng dẫn cách làm
Đối với dạng bài số 5 là dạng bài tập nhỏ nên đề bài yêu cầu cái gì thì các bạn trình bày cái đó.
Ví dụ, nếu đề bài hỏi bài Bánh trôi nước thuộc thể thơ gì thì các bạn nêu tên thể loại và trình bày tác dụng của thể thơ đó là được.
Lưu ý: Mặc dù là dạng bài tập nhỏ nhưng các bạn tuyệt đối không nên trả lời cộc lốc. Ngoài việc trả lời đúng trọng tâm, bạn nên trình bày thêm tác dụng hay cảm nghĩ của bản thân sẽ được đánh giá cao hơn.
Ví dụ với câu hỏi: Bài thơ bánh trôi nước có mấy tầng nghĩa, các bạn không nên chỉ trả lời là có 2 tầng nghĩa. Thay vào đó, bạn có thể trả lời theo hướng sau:
“Bánh trôi nước của Hồ Xuân có hai tầng nghĩa rất rõ ràng. Tầng nghĩa thứ nhất là nghĩa tả thực về hình ảnh chiếc bánh trôi với hình dáng tròn và trắng. Chiếc bánh mềm mại hay cứng phụ thuộc vào tay người chọn gạo, pha bột và nặn bột. Ngoài ra, tác giả còn trình bày rất rõ về đặc tính của bánh trôi khi luộc, đó là: chìm khi còn sống và nổi lên mặt nước khi đã chín.
Tầng nghĩa thứ hai là phép ẩn dụ và là tầng nghĩa quan trọng nhất, quyết định trực tiếp đến giá trị bài thơ. Qua lớp nghĩa này, ta có thể thấy được nội dung chủ đạo của bài thơ là: Đề cao, nâng niu cái đẹp, phẩm chất trong sáng và tấm lòng son sắt của người phụ nữ xưa. Đồng thời thể hiện tấm lòng cảm thương sâu sắc cho thân phận lênh đênh, chìm nổi của họ.”
Đối với dạng bài 1, 2, 3, 4 thường là dạng bài chiếm điểm cao, yêu cầu người làm phải dành nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, bạn cần phải trình bày theo bố cục 3 phần, gồm có: mở bài – thân bài – kết bài.
Bố cục chung cho 4 dạng bài trên như sau:
* Mở bài:
- Giới thiệu đôi nét về tác giả
- Giới thiệu khái quát về nội dung, nghệ thuật bài thơ
* Thân bài:
Tùy theo yêu cầu đề bài là thuyết minh, phát biểu cảm nghĩa, phân tích,… mà bạn có cách trình bày phù hợp. Ví dụ như phân tích thì nên tập trung nhiều vào bố cục, nghệ thuật, nội của của tác phẩm.
Đề bài là phát biểu cảm nghĩ, nêu cảm nhận,… thì cần phải thể hiện rõ suy nghĩ, đánh giá và cảm nhận về bài thơ. Tuy nhiên, bạn vẫn cần bám sát vào nghệ thuật và nội dung để làm rõ chủ đề tác phẩm cũng như quan điểm, đánh giá của bản thân.
* Kết bài:
- Cảm nhận giá trị bài thơ
- Mở rộng với các bài thơ, câu ca dao có cùng chủ đề,…
Trên đây là bài viết chia sẻ về đặc điểm nội dung, nghệ thuật bài thơ Bánh trôi nước và một số dạng bài tập thường gặp. Mong rằng sẽ giúp ích cho bạn đọc trong quá trình học tập và rèn luyện!
Xem thêm: