Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các doanh nghiệp SME ngày càng nở rộ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết doanh nghiệp SME là gì và đặc trưng cơ bản của doanh nghiệp này ra sao. Để hiểu rõ hơn về hình thức của các doanh nghiệp SME, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Contents
SME là gì?
Thực chất, SME là viết tắt của cụm từ Small and Medium Enterprise, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dạng doanh nghiệp này chiếm tới 95% trong tổng số các doanh nghiệp trên toàn cầu hiện nay và mang tới 50% cơ hội việc làm cho người lao động trên thế giới. Đây là mô hình doanh nghiệp có sự phát triển chóng mặt và đang có dấu hiệu phát triển tại Việt Nam.
Bài viết tham khảo: Thẻ Napas là gì? Tại sao nên chọn sử dụng thẻ Napas
Phân loại doanh nghiệp SME
Hiện nay, ở nước ta, doanh nghiệp SME được chia thành 2 nhóm lĩnh vực kinh doanh, dựa vào tiêu chí về quy mô lao động, vốn và doanh thu như sau:
Phân loại với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ:
- Doanh nghiệp siêu nhỏ: tổng số vốn không quá 3 tỷ đồng hoặc doanh thu không quá 10 tỷ đồng/năm. Bình quân số lượng người lao động tham gia BHXH không quá 10 người/năm.
- Doanh nghiệp nhỏ: tổng số vốn không quá 50 tỷ đồng hoặc doanh thu không quá 100 tỷ đồng/năm. Bình quân số người lao động tham gia BHXH không quá 50 người/năm.
- Doanh nghiệp vừa: tổng số vốn không quá 100 tỷ đồng hoặc doanh thu không quá 300 tỷ đồng/năm. Bình quân số lượng người lao động tham gia BHXH không quá 100 người/năm.
Phân loại với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng:
- Doanh nghiệp siêu nhỏ: tổng số vốn không quá 3 tỷ đồng hoặc doanh thu không quá 3 tỷ đồng/năm. Bình quân số lượng người lao động tham gia BHXH không quá 10 người/năm.
- Doanh nghiệp nhỏ: tổng số vốn không quá 20 tỷ đồng hoặc doanh thu không quá 50 tỷ đồng/năm. Bình quân số lượng người lao động tham gia BHXH không quá 100 người/năm.
- Doanh nghiệp vừa: tổng số vốn không quá 100 tỷ đồng hoặc doanh thu không quá 200 tỷ đồng/năm. Bình quân số lượng người lao động tham gia BHXH không quá 200 người/năm.
Đặc trưng cơ bản của doanh nghiệp SME là gì?
Đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế
Theo số liệu được Ủy ban châu Âu (EC) công bố 8/2014, có hơn 20 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Âu, chiếm 99% tổng số doanh nghiệp. Theo báo cáo mới nhất vào tháng 1/2014 của Trade Up về tình hình tài chính của những doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Mỹ, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ này chiếm tới 99% tổng số doanh nghiệp, sử dụng trên 50% tổng số lao động xã hội, tạo công ăn việc làm cho 65% lượng lao động ở khu vực tư nhân. Tại Việt Nam, theo Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2011), Việt Nam có 543.963 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97%, đóng góp hơn 40% GDP cả nước và sử dụng 51% tổng số lao động xã hội.
Gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn
Doanh nghiệp vừa và nhỏ với số vốn nhỏ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn vốn chính thức. Đây là một cản trở không nhỏ trong việc triển khai, áp dụng các tiến bộ khoa học hay ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động thương mại nói chung và xúc tiến thương mại trực tuyến nói riêng.
Các doanh nghiệp SME thường gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn còn khá thu hẹp và phải đau đầu với những chi phí về cơ sở vật chất, nhân lực, chi phí văn phòng,…
Thị trường cạnh tranh khốc liệt
Trong quá trình hội nhập hiện nay, các tập đoàn lớn thường có xu hướng vươn mình ra thế giới, thành lập các chi nhánh, công ty con ở những quốc gia có nhiều lợi thế, vì vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các quốc gia này phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt. Bên cạnh đó còn thường bị đánh giá thấp hơn các doanh nghiệp lớn. Vì vậy, họ cần tìm ra những phương thức, công cụ mới trong hoạt động kinh doanh, cần có chiến lược quảng bá thương hiệu khôn khéo và tiết kiệm để lấy được lòng tin của khách hàng.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, hạ tầng của các doanh nghiệp SME không được khách hàng đánh giá cao, đồng thời mức chi phí trong việc vận hành quản lý và tiến hành các chương trình quảng cáo rất lớn khiến cho các doanh nghiệp SME luôn gặp phải khó khăn và thách thức.
Hơn nữa, một khó khăn nữa mà doanh nghiệp SME gặp phải là người điều hành và quản lý doanh nghiệp thường là người trong gia đình, trường hợp nếu thiếu kỹ năng cần thiết sẽ rất dễ dẫn đến tình hình kinh doanh không hiệu quả. Đối với những doanh nghiệp siêu nhỏ, chế độ phúc lợi, lương thưởng hạn hẹp nên khó tìm kiếm và giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khả năng vận hành linh hoạt
Với nguồn vốn nhỏ hẹp, các doanh nghiệp SME thường tập trung vào các ngành hàng gần gũi với người tiêu dùng hơn là đầu tư vào các ngành công nghiệp nặng hay sản xuất khai thác cần nhiều vốn. Ở nước ta, theo Cục xúc tiến thương mại (2012) trong cơ cấu ngành nghề, khoảng 43% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, 24% trong lĩnh vực thương mại và phân phối, còn lại là hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và liên quan đến nông nghiệp.
Đặc biệt, các doanh nghiệp này có khả năng vận hành một cách linh hoạt trước những thay đổi của thị trường, đặc biệt là về những hoạt động kinh doanh hàng hóa mới, hàng hóa nhỏ lẻ. Khả năng điều hướng trong việc quản lý hàng hóa, nhân sự một cách đơn giản và dễ dàng để thích nghi với thị trường.
Sự khác biệt giữa các doanh nghiệp SME và Startup
Về khái niệm
Doanh nghiệp SME là doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ hoặc siêu nhỏ. Có thể kể đến như việc mở một nhà hàng ăn uống, quán phở gia đình,…nhưng chỉ kinh doanh ở phạm vi và quy mô địa phương. Còn Startup là doanh nghiệp bắt đầu bước vào kinh doanh và thường tăng trưởng nhanh về quy mô.
Về mục tiêu
SME hoạt động ở quy mô nhỏ nên có tổ chức bộ máy quản lý tinh gọn. Đây là lợi thế của các doanh nghiệp SME mà doanh nghiệp lớn không có được. Vì thế, hình thức kinh doanh này thường nhắm tới ngành nghề có lợi nhuận cao như dịch vụ ăn uống, thời trang, hàng tiêu dùng,…Trong khi đó, Startup tập trung hướng vào những giải pháp công nghệ hoàn toàn mới nhằm chuẩn hóa quy trình bộ máy vận hành, giúp dễ dàng chuyển giao cho nhiều người và có thể thay thế, hỗ trợ nhiều vị trí khác nhau một cách chuẩn xác.
Về chủ đầu tư
Chủ sở hữu của các doanh nghiệp SME phần lớn là cá nhân hay gia đình nên có những hạn chế về kiến thức quản lý cũng như những kỹ năng cần thiết để quản lý doanh nghiệp. Còn Startup sẵn sàng chia sẻ cổ phần cho các nhà đầu tư có mong muốn góp vốn để phát triển đột phá hơn trong tương lai.
Về tốc độ tăng trưởng
Doanh nghiệp SME thường không đòi hỏi lợi thế cạnh tranh độc đáo mà kinh doanh dựa trên mô hình có sẵn, có thể đạt được lợi nhuận ngay từ những ngày đầu tiên tuy nhiên doanh thu tăng trưởng không cao và không có sự ổn định. Ngược lại, Startup phải cạnh tranh mạnh hơn để hoạt động trên quy mô toàn cầu, thậm chí chấp nhận thua lỗ ở giai đoạn đầu để tiếp tục hoàn thiện quá trình kinh doanh sau này.
Bài viết tham khảo:
CC và BCC là gì? Ý nghĩa của BCC trong kinh doanh & thư điện tử
Trên đây là những thông tin trả lời cho câu hỏi doanh nghiệp SME là gì, mong rằng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về loại hình doanh nghiệp thông dụng này. Từ đó có những sự cân nhắc và lựa chọn phù hợp nhất cho mình, đặc biệt khi muốn thử sức với một mô hình kinh doanh hấp dẫn này.